Home / Trang chủ  / Tin tức  / Lão hóa dân số tại Việt Nam

Lão hóa dân số tại Việt Nam

Nằm trong nhóm 15 nước đông dân nhất thế giới, Việt Nam có lợi thế lao động dồi dào, nhưng đang đối mặt tình trạng dân số già hoá nhanh. “Mất hàng trăm nghìn năm, dân

Nằm trong nhóm 15 nước đông dân nhất thế giới, Việt Nam có lợi thế lao động dồi dào, nhưng đang đối mặt tình trạng dân số già hoá nhanh.

“Mất hàng trăm nghìn năm, dân số thế giới mới cán mốc một tỷ. Nhưng chỉ trong khoảng 200 năm, con số này tăng thêm 7 lần”, UNFPA nói trong một tuyên bố chung. Cơ quan này dự báo dân số sẽ đạt 8,5 tỷ vào năm 2030, 9,7 tỷ năm 2050, và đạt đỉnh vào năm 2080 với 10,4 tỷ.

Chung xu hướng, dân số Việt Nam tăng hơn gấp đôi sau 48 năm đất nước thống nhất, từ 47 lên 100 triệu. Thế kỷ trước, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Việt Nam luôn cao hơn mức bình quân thế giới. Tuy nhiên, xu hướng này đảo ngược từ đầu những năm 2000, sau một thập niên chính sách kế hoạch hóa gia đình được thực thi. Tỷ lệ sinh đi xuống và dân số đang già đi nhanh chóng. Theo UNFPA, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Dân cư phân hoá

Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân vào tháng 4 vừa qua. Từ 2019 đến nay, trong nhóm quốc gia đông dân nhất thế giới, Việt Nam duy trì vị trí thứ 15, xếp hạng 6 về mật độ dân số.

2023 cũng là thời điểm đất nước đi qua một nửa thời kỳ dân số vàng – bắt đầu từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào 2039, theo UNFPA. Một quốc gia bước vào giai đoạn này khi ít nhất hai người trong độ tuổi lao động nuôi một người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi hoặc người già trên 65 tuổi). Điều này mang đến lợi thế kinh tế cho quốc gia khi sở hữu nguồn lao động dồi dào.

Dân số tăng, nhưng sự phát triển cả về số lượng và chất lượng không đồng đều giữa 63 tỉnh, thành. Mức sinh giữa các vùng miền chênh lệch đáng kể. Cùng với đó, dòng người di cư đến các đô thị lớn khiến sự phân bố dân cư giữa thành thị và nông thôn bất cân xứng. Thu nhập bình quân, tuổi thọ của các địa phương vì thế ngày càng phân hóa.

Tính theo vùng, người dân Đông Nam Bộ có thu nhập cao nhất nước. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với mức 8,1 triệu/tháng, gấp gần 4 lần địa phương xếp cuối bảng là Hà Giang – 2,1 triệu đồng/tháng.

6 tỉnh, thành miền Đông cũng là khu vực người dân sống thọ nhất. Đứng đầu là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tuổi thọ bình quân 76,4, nhiều hơn 8,5 năm so với tỉnh đứng cuối là Lai Châu. Địa phương miền núi này cũng là nơi thưa dân nhất cả nước với mật độ 53 người mỗi km2. Ngược lại, TP HCM đứng đầu về độ “đất chật người đông”, mỗi km2 có 4.481 người sinh sống. Trên toàn quốc, tỷ lệ này là 300 người/km2.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content