Home / Trang chủ  / Tin tức  / Thách thức đối với miền Tây Nam bộ

Thách thức đối với miền Tây Nam bộ

Từ trước đến nay khi nhắc đến miền Tây, hầu như ai cũng nghĩ về một vùng đất đai trù phú, ruộng lúa mênh mông, cây trái trĩu quả, người dân chất phác, hào phóng,

Từ trước đến nay khi nhắc đến miền Tây, hầu như ai cũng nghĩ về một vùng đất đai trù phú, ruộng lúa mênh mông, cây trái trĩu quả, người dân chất phác, hào phóng, nghĩa tình. Thế nhưng, hơn một thập kỷ qua, miền Tây phải đối mặt với quá nhiều thách thức.

Một trong những thách thức lớn của vùng đất “Chín con Rồng” chính là vấn đề nguồn nước. Đây là vùng phù sa ngọt lớn nhất cả nước. Từ thời mở đất, ông cha ta đã tận dụng triệt để nguồn nước từ các nhánh sông Tiền, sông Hậu để sản xuất nông nghiệp, cũng như khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, nguồn nước của sông Cửu Long bị giảm đáng kể, do biến đổi khí hậu và các quốc gia thượng nguồn Mekong ngăn đập làm thủy điện.

Nước không còn nhiều, đồng nghĩa với việc sụt giảm lượng phù sa bồi đắp cho Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm, ảnh hưởng đến năng suất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn nước ngọt khan hiếm đã dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn vào mùa khô trở nên trầm trọng hơn đối với các tỉnh ven biển miền Tây, gây thiệt hại vườn cây ăn trái. Để khắc phục, bên cạnh việc ngăn mặn, người dân còn khai thác nguồn nước ngầm một cách tự phát để sinh hoạt, tưới tiêu, khiến cho hiện tượng sụt lún mặt đất diễn biến phức tạp. Theo nhiều chuyên gia, miền Tây đang sụt lún với tốc độ từ 1-2,5cm mỗi năm. Và khoảng 50 năm nữa, nhiều vùng đất ở miền Tây sẽ chìm trong nước biển.

Mấy năm trở lại đây, mùa nước nổi hầu như không còn xuất hiện ở miền Tây. Nếu có, lượng nước cũng rất ít, không còn ngập sâu các cánh đồng như trước. Lại thêm, hệ thống đê bao thâm canh tăng vụ ở nhiều tỉnh đã ngăn cản nước tràn vào đồng, để xoay vòng khai thác mảnh ruộng hết vụ này đến vụ khác, từ năm này qua năm khác. Do đó, ruộng không được đào thải chất ô nhiễm, không được bồi đắp phù sa hàng năm. Đất càng ô nhiễm càng cỗi cằn mà muốn duy trì năng suất sản xuất thì đương nhiên phải tăng cường sử dụng phân bón hóa học, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Đây là lý do chi phí sản xuất ngày càng tăng cao song lợi nhuận ngày càng thấp. Ngoài ra, sự ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật còn khiến nguồn thủy sản bị tận diệt. Nhiều hộ dân trước đây mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy sản giờ phần lớn đã bán xuồng ghe, câu lưới để đi Bình Dương làm công nhân.

Không chỉ có những người làm nghề đánh bắt thủy sản ở miền Tây điêu đứng, mà dân làm ruộng làm vườn cũng vậy. Nông dân bây giờ trồng cái gì cũng giống như chơi xổ số, đến khi thu hoạch mới biết thắng hay thua, lời hay lỗ. Mùa màng có trúng mà giá cả quá thấp thì cũng gần như trắng tay. Giá cao mà cây trái thất bát quá thì cũng chẳng lợi nhuận được bao nhiêu. Bởi vậy, lâu lâu có một vụ vừa trúng mùa vừa trúng giá, người ta xem như là trúng số.

Hàng trăm năm trước, ông bà ta làm nghề nông, phải “trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa/ trông nắng, trông ngày, trông đêm…Nghĩa là, khi đó chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, chỉ có mưa thuận gió hòa thì người dân mới được bội thu, no ấm. Ngày nay, nghề nông vẫn lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Nhưng bên cạnh đó, nhà nông còn phải lệ thuộc vào giá cả thị trường, vào đầu ra của sản phẩm. Đây là những lý do khiến họ vẫn khó khăn, chật vật trên chính mảnh đất và nghề nông ông cha để lại. Bởi bà con chỉ có thể làm chủ việc sản xuất, còn hàng loạt vấn đề khác thì họ hoàn toàn bị động. Điệp khúc “được mùa mất giá” đã từ lâu trở thành nỗi ám ảnh của biết bao nông dân, nhưng chưa biết bao giờ kết thúc.

Cách đây hai năm, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra con số 1,3 triệu người miền Tây đã di cư trong thập kỷ qua. Tất nhiên có nhiều lý do khác nhau, nhưng với nhiều người, lý do đơn giản là ruộng vườn, sông nước miền Tây không còn đủ sức để “cưu mang” họ.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content