Home / Trang chủ  / Tin tức  / Chuyển giao Ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ từ Pháp về Việt Nam

Chuyển giao Ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ từ Pháp về Việt Nam

Sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, ấn vàng « Hoàng đế chi bảo » đã được chuyển giao cho Việt Nam chiều 16/11 (giờ Pháp)

Sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, ấn vàng « Hoàng đế chi bảo » đã được chuyển giao cho Việt Nam chiều 16/11 (giờ Pháp) tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng ; Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân ; Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL) Lê Thị Thu Hiền ; Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Phương Hòa ; đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO.

Lúc ấy, Đoàn công tác liên ngành đã sang Pháp và thông qua Bộ ngoại giao Pháp, tranh thủ được hãng Millon hai lần dời lịch đấu giá ấn vàng nhằm tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp.

Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) được chọn là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính về quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng Hoàng đế chi bảo theo pháp luật của Cộng hòa Pháp và thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Chi phí chuyển giao bao gồm : Chi phí trả cho việc thuê Luật sư đàm phá ; chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan) ; chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế) đều do công ty này đảm nhận, khoảng 6,1 triệu €.

Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật,… Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của Việt Nam.

Lịch sử của « Hoàng đế chi bảo »

Ngày 30-8-1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 – 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ. Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8-3-1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953.

Trước khi qua đời (năm 1997), vua Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có ấn vàng Hoàng đế chi bảo, cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được giao bán đấu giá tháng 11-2022.

Trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỉ).

Hiện nay, trong sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỉ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỉ (trong đó có 2 kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỉ của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn.

Một số cổ vật đã được hồi hương về nước

Tháng 11/2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhận 10 cổ vật thời Đông Sơn do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trao trả. Tháng 8/2018, Việt Nam cũng tiếp nhận 18 cổ vật nhận từ Đức. Các cổ vật này do chính phủ các nước tự nguyện trả sau khi thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép.

Chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh. Cổ vật này được cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua và hiến tặng về nước năm 1978.

Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về năm 2015, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình được đưa về Huế tháng 4/2022. Các cổ vật này được một số cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng cho Việt Nam.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content