Home / Trang chủ  / Tin tức  / Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)

Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)

Khu vực này năm 2021 có tổng tài sản khoảng 4 triệu tỷ đồng (160 tỷ €) ; quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỷ đồng (164 triệu €), cao

Khu vực này năm 2021 có tổng tài sản khoảng 4 triệu tỷ đồng (160 tỷ €) ; quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỷ đồng (164 triệu €), cao gấp 10 lần doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần DN tư nhân trong nước.

Khối này đóng góp 28% thuế và các khoản nộp ngân sách ; chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Khu vực DNNN tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu về hiệu quả trong giai đoạn 2016-2021. Các DNNN nhìn chung đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình DN ; chỉ hoạt động hiệu quả ở rất ít ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc viễn thông, tài chính – ngân hàng.

DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực DN Việt Nam.

Trong giai đoạn 2016-2020, rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của DNNN được khởi công ; các DNNN chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án nợ nần, không hiệu quả từ giai đoạn trước.

Tính riêng đối với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước và tập đoàn Viettel, nơi nắm giữ đến gần 90% nguồn lực của khu vực DNNN, chỉ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư nhóm A (có quy mô lớn, thời gian sử dụng lâu dài), trong đó có 2 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước và 1 dự án khởi công mới năm 2016.

Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực DNNN đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt câu hỏi :

– Vì sao các doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển ?

– Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ ? 

– Tại sao lại có tình trạng như vậy, nguyên nhân là gì, chủ quan và khách quan như thế nào ? Do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện hay do con người ? 

– Phải chăng là do các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư phát triển ngành nghề chính của mình hay vì nguyên nhân nào khác ?

Chỉ ra các nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng có vấn đề từ hệ thống pháp luật khi các quy định liên quan quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn, tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ, phù hợp theo thị trường. Việc củng cố vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước chưa được quan tâm đúng mức khi chủ yếu tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, xử lý tồn tại, yếu kém, tiêu cực của giai đoạn trước.

Trong khi quy định chưa thực sự phân cấp, trao quyền tự chủ, nên các doanh nghiệp nhà nước không được làm hoặc không dám làm những việc đáng ra phải làm bình thường như một doanh nghiệp. Việc chậm trễ ra quyết định đã làm mất đi cơ hội, giảm đi hiệu quả hoạt động. Quy định tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, công tác quản lý chưa rõ ràng…

Trong khi đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Việc bổ nhiệm cán bộ còn nể nang, ngại va chạm; tiêu chí đánh giá cán bộ chưa được lượng hóa cụ thể nên chưa sâu, chưa kịp thời đưa ra cảnh báo, ngăn chặn vi phạm của cán bộ; công tác nhân sự mới chỉ tập trung ở nhiệm vụ trước mắt mà chưa tính đến tầm nhìn dài hạn…

Vài bất cập trong doanh nghiệp nhà nước

Quyền tài sản không rõ ràng

Một yếu kém của doanh nghiệp nhà nước là quan hệ quyền tài sản không rõ ràng. Theo qui định của hiến pháp VN các doanh nghiệp này thuộc sở hữu toàn dân mà người quản lý là Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước cũng là một phạm trù rất trừu tượng, người dân chỉ cảm nhận được Nhà nước thông qua các cơ quan của nó, được đại diện bởi những công chức cụ thể và các hành vi của họ. Bởi vậy, nếu giao kết hợp đồng với DNNN, người ta cần biết ai có thẩm quyền kiểm soát những tài sản này.
Ví dụ : một đối tác nước ngoài muốn liên doanh với DNNN cần biết rõ những cơ quan nào có quyền quyết định liên quan đến việc góp quyền sử dụng đất làm vốn thành lập doanh nghiệp liên doanh. Từ trung ương đến địa phương, có rất nhiều cơ quan có thể can thiệp vào quá trình sử dụng nguồn vốn này.
Do rất nhiều cơ quan có quyền can dự vào việc sử dụng tài sản như vậy, các giao dịch liên quan đến loại tài sản này cần được sự đồng thuận của họ – một công việc tốn kém thời gian và tiền bạc, quá trình ý kiến và được xét duyệt dự án có khi kéo dài hằng năm.


Quyền tự chủ kinh doanh không rõ ràng
DNNN gắn liền số phận của mình với “cơ quan chủ quản”, thường là một Bộ hoặc một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã thành lập, đầu tư vốn và quản lý doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Tài sản doanh nghiệp thường không do vốn của ban lãnh đạo và công nhân viên hợp thành, mà do cơ quan chủ quản cấp – một phần hoặc toàn bộ, do vậy cơ quan này đương nhiên là chủ tài sản và doanh nghiệp được hiểu như một đơn vị kinh doanh thuộc quyền giám sát của họ.

Nếu quyền lực tập trung về cơ quan chủ quản, cơ quan Nhà nước trở thành nơi quyết định kinh doanh, còn doanh nghiệp chỉ là đơn vị thực thi.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content