Home / Trang chủ  / Lịch sử  / Bài Quốc ca Việt Nam – “Tiến quân ca” ra đời như thế nào ?

Bài Quốc ca Việt Nam – “Tiến quân ca” ra đời như thế nào ?

Hôm nay, ngày 2 tháng 9 là ngày Quốc khánh. Chúng ta hãy ôn lại lịch sử của bài Quốc ca do Văn Cao sáng tác. Theo hồi ký của nhà thơ, họa sĩ Văn Thao

Hôm nay, ngày 2 tháng 9 là ngày Quốc khánh. Chúng ta hãy ôn lại lịch sử của bài Quốc ca do Văn Cao sáng tác.

Theo hồi ký của nhà thơ, họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác cuối năm 1944 tại Hà Nội khi tình hình  Việt Nam đang có những bước chuyển hết sức quan trọng hướng đến thời điểm lịch sử Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.

Nhận thức rõ về tài năng xuất chúng của Văn Cao, một cán bộ Việt Minh có tên là Vũ Quý đã động viên nhạc sĩ tham gia hoạt động cách mạng và thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác bài hành khúc cho Mặt trận Việt Minh. Mùa đông năm 1944, “Tiến quân ca” ra đời, được đăng trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập và ngay lập tức được sử dụng là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh.

Ngày 15/8/1945, sau khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở Quốc dân Đại hội tại Tân Trào ngay vào buổi chiều 16/8 để kịp với diễn biến tình hình.

Buổi sáng ngày 16/8, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trình Bác Hồ ba bài hát : “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Chiến sĩ Việt Minh” và “Tiến quân ca” (cùng của Văn Cao) để Bác lựa chọn. Sau khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trình bày từng ca khúc, Bác Hồ nhận xét : Bài “Diệt phát xít” rất hay, ngắn gọn, dễ hát nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rồi nên không còn phù hợp với tình hình. Bác cũng tỏ ý rất thích bài “Chiến sĩ Việt Minh”, nhất là đoạn kết : “Thề phục quốc/ Tiến lên Việt Nam/ Lập quyền dân/ Tiến lên Việt Nam/ Đài hạnh phúc đắp xây tự do/ Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm”. Tuy vậy, bài “Chiến sĩ Việt Minh” hơi dài, khó hát, nếu lựa chọn bài này làm Quốc ca, e rằng nhân dân đứng chào cờ sẽ mỏi chân.

Theo Bác, bài “Tiến quân ca” của Văn Cao là phù hợp hơn cả, vừa ngắn gọn, hùng tráng, dễ hát, dễ phổ biến rộng rãi. Ngay sau đó, Bác Hồ đã quyết định chọn bài “Tiến quân ca”.

Chiều ngày 16/8, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch ; đồng thời quyết định lựa chọn : lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh là Quốc kỳ, chọn bài “Tiến quân ca” là Quốc ca.

Bốn tháng sau, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra trong cả nước. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa đầu tiên đã họp kỳ thứ nhất vào ngày 2/3/1946 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Và trong kỳ họp này, “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã chính thức được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, “Tiến quân ca” tiếp tục được Quốc hội lựa chọn là Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Tiến quân ca” có hai lời, kết cấu, khúc thức đơn giản, dễ hát, dễ thuộc. So với thời điểm ra đời (1944), giai đoạn sau này, nhất là khi trở thành Quốc ca, nhạc phẩm “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao chỉnh sửa đôi chỗ về ca từ cho phù hợp hơn. Trong bản gốc khi mới ra đời, ở khổ đầu lời một, ca từ “Đoàn quân Việt Minh đi” sau này được sửa thành “Đoàn quân Việt Nam đi”; trong đoạn tiếp theo, ca từ “Thề phanh thây, uống máu quân thù” được đổi thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”; và lời kết “Tiến lên! Cùng thét lên!/ Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được sửa thành “Tiến lên! Cùng tiến lên!/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Ở phần lời hai, đoạn cuối “Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/ Vũ trang đâu lên đường/ Hỡi ai! Lòng chớ quên/ Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên” cũng được nhạc sĩ Văn Cao sửa thành: “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923-10/7/1995), tên khai sinh: Nguyễn Văn Cao, quê gốc Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định; được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn học- nghệ thuật.

Ca từ của “Tiến quân ca” sau khi được chỉnh sửa và lưu hành đến nay :

Lời một: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập gềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca/ Đường vinh quang xây xác quân thù/ Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu/ Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng tiến lên!/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Lời hai: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than/ Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới/ Đứng đều lên gông xích ta đập tan/ Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/ Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn/ Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content