Home / Trang chủ  / Tin tức  / Kinh tế vỉa hè – thị trường vô thừa nhận

Kinh tế vỉa hè – thị trường vô thừa nhận

Kinh tế vỉa hè là tên gọi không chính thức của các hoạt động buôn bán trên hè phố, tồn tại dưới ba hình thức : kinh doanh mặt tiền (để xe trên vỉa hè),

Kinh tế vỉa hè là tên gọi không chính thức của các hoạt động buôn bán trên hè phố, tồn tại dưới ba hình thức : kinh doanh mặt tiền (để xe trên vỉa hè), bán hàng rong, hoặc buôn bán nhỏ lẻ cố định.

Nhưng kinh tế vỉa hè vẫn là loại hình kinh doanh không chính thức. Dù hoạt động 24 giờ mỗi ngày, bền bỉ 365 ngày bất kể các dịp lễ, nó chưa hề được công nhận trên bất kỳ văn bản pháp lý nào.

“Vỉa hè là tài sản công, còn các hoạt động kinh doanh trên đó lại phục vụ lợi ích riêng, nên chính quyền không thể nào dễ dàng công nhận”

Dù vỉa hè đã có đời sống kinh tế riêng từ cả trăm năm trước, khung pháp lý chính thức cho việc kinh doanh trên hè phố chưa từng tồn tại trong luật. Nghiên cứu năm 1929 của Trần Nguyễn Chấn chỉ ra từ thời TP HCM còn là Sài Gòn – Gia Định, các hoạt động buôn bán di động trên đường phố đã len lỏi khắp đô thị. Nơi nào có đường sá, ở đó có kinh tế vỉa hè. Chính quyền Pháp cũng cố gắng kiểm soát loại hình này bằng cách ban hành quy định về hành vi đúng mực ở đô thị, trong đó cấm bán hàng rong, và cảnh sát được quyền tịch thu bất kỳ hàng hóa nào trên vỉa hè.

Thế nhưng, sau hơn một thế kỷ, kinh tế vỉa hè vẫn tồn tại, thậm chí trở thành một trong những bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế phi chính thức – khu vực sản xuất, kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Hiện, Việt Nam chưa có thống kê riêng nào về quy mô của thị trường này. Tuy nhiên, điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2017 ước tính các hộ kinh doanh cá thể, bao gồm những người buôn bán trên vỉa hè, tạo ra giá trị kinh tế khoảng 11-13% GDP quốc gia.

Thực tế này khiến chính quyền nhiều địa phương rơi vào thế khó xử. Nhà quản lý không thể mặc nhiên công nhận các hoạt động kinh tế vỉa hè vì đi ngược lại chức năng công cộng vốn có, nhưng cũng không thể xoá bỏ vì những lợi ích thực tế.

“Không ai có thể phủ nhận kinh tế vỉa hè”.

Người bán, phần đông là nhóm chưa qua đào tạo, khó tiếp cận các cơ hội việc làm chính thức, dùng vỉa hè để nuôi sống bản thân và gia đình. Riêng TP HCM, ước tính có khoảng 20.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố với gần 25.000 lao động, theo Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố.

Vỉa hè còn là nơi nương náu của không ít công nhân mỗi khi bị loại khỏi vòng quay của nền kinh tế chính thức. Giai đoạn mô hình xe đẩy bánh mì nhận được nhiều đề nghị nhượng quyền nhất là sau khi TP HCM mở cửa hậu Covid-19 hai năm trước. Lần tiếp theo là năm nay, khi các doanh nghiệp cắt giảm công nhân vì thiếu đơn hàng.

Với người mua, vỉa hè là nơi mua sắm nhanh, tiện lợi, giá rẻ, lại phù hợp với xe máy – phương tiện giao thông chủ đạo tại Việt Nam.

Kinh tế vỉa hè dưới mắt khách du lịch

Với du khách quốc tế, các hoạt động trên vỉa hè, đặc biệt là ẩm thực, còn trở thành nét văn hóa đặc thù.

Tom Divers, nhà sáng lập website tư vấn du lịch Vietnam Coracle, khi đặt chân đến Việt Nam 18 năm trước, đã bị mê hoặc bởi sự sống động của đời sống vỉa hè.

“Hãy quên đi những điểm tham quan không thể bỏ qua, ẩm thực đường phố mới là tài sản du lịch có giá trị nhất, điểm thu hút số một với du khách khi đến Việt Nam”, ông khẳng định.

Mỗi khi đón bạn bè đến TP HCM, thú vui của ông là đưa họ đi ăn tối trên vỉa hè và lang thang khám phá các con hẻm địa phương dọc đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), Vạn Kiếp hay Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh). Đó là cách giúp những người lạ hoà mình vào điều mà ông gọi là “bản sắc của Sài Gòn”.

“Thay vì cố gắng biến nơi đây thành Singapore hay Seoul, các bạn nên phát huy bản sắc nội tại của nó”, ông đề nghị.

Hợp thức hoá kinh tế vỉa hè ?

Cảm nhận này (đúng hay không) của khách nước ngoài không đủ để xoá bỏ trạng thái chưa hợp thức hóa của kinh tế vỉa hè. “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, “dọn dẹp vỉa hè” trở thành khẩu hiệu cho nhiều chiến dịch lập lại trật tự đô thị. Thế nhưng, kết thúc những chiến dịch này, các vi phạm lại tái diễn, đâu vẫn hoàn đó.

“Sức sống của kinh tế vỉa hè khiến các nỗ lực xóa bỏ nó không thể nào thành công”, TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện chính trị TP HCM) đánh giá. Ông nhấn mạnh các giải pháp này, khiến nguồn sống của một bộ phận người dân bị cắt đứt đột ngột, đều không thể đem lại hiệu quả. Thậm chí, việc này còn có nguy cơ tạo ra các đứt gãy trong xã hội, đào thêm hố sâu bất bình đẳng.

Một khía cạnh khác là Nhà nước không có nguồn thu nào từ khu vực kinh tế vỉa hè, nhưng lại phải chi nhiều ngân sách để giải quyết các hệ lụy như mất an toàn giao thông, bộ mặt đô thị nhếch nhác, nguy cơ về an toàn thực phẩm…

Việc bỏ ngỏ quản lý trong khi nhu cầu buôn bán rất lớn còn tạo ra rủi ro ngầm, khiến người bán hàng buộc phải chấp nhận các khoản “phí” không chính thức để được kinh doanh.

Khảo sát của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM năm 2019 với hơn 100 người bán hàng rong nhập cư ở trung tâm thành phố cho thấy, 22% từng chịu rủi ro an ninh trật tự, bao gồm mất tiền “bảo kê”, bị trộm cắp, hoặc tranh chấp với những người bán hàng khác.

Đơn cử, tháng 9 vừa qua, Công an huyện Hóc Môn đã khới tố hai thành viên đội quản lý trật tự đô thị với cáo buộc họ tịch thu xe hàng rong rồi tự ra giá từ 500.000 đến 3 triệu đồng để trả lại hàng.

Kinh tế vỉa hè không phải bài toán của riêng Việt Nam.

Nghiên cứu của Giáo sư Nurul Amin (Viện Công nghệ châu Á – Thái Lan) chỉ ra nhiều quốc gia đều đi qua 4 giai đoạn quản lý vỉa hè với các cấp độ : cấm đoán, hạn chế, cho phép và giúp đỡ. Đối chiếu với khung phân tích này, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho rằng TP HCM đã bắt đầu giai đoạn 3.

Do vậy, tháng 9-2023 vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua đề án thu phí vỉa hè, lòng đường, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2024. Chính sách lần này kỳ vọng thu về cho ngân sách hàng năm khoảng 800 tỷ đồng và nhất là lập lại trật tự cho loại hình kinh doanh này.

Cấp chính quyền hy vọng, khi kinh tế vỉa hè khi được đánh giá là một phần không thể thiếu, giải pháp thu phí chính thức như TP HCM là lựa chọn phù hợp. Người buôn bán có cơ hội được làm ăn ổn định. Còn việc đi lại vẫn cần phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu.

Nhiều đô thị lớn ở châu Á đã hợp thức hóa kinh tế vỉa hè. Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (Thái Lan) yêu cầu những người kinh doanh trên hè phố phải đăng ký, đóng phí hàng tháng và chỉ được bán hàng ngoài giờ cao điểm ở khu vực đông đúc để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Còn Singapour lựa chọn xây dựng nhiều trung tâm hàng rong để tổ chức quy củ loại hình này. Người kinh doanh phải xin giấy phép của cơ quan quản lý, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, và có hiệp hội đại diện.

Vỉa hè – nơi nhiều thế hệ gia đình kinh doanh bánh mì, hủ tíu gõ, bánh chiên…qua chiếc xe đẩy, có lẽ đang đứng trước ngưỡng cửa được thừa nhận chính thức.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content