Home / Trang chủ  / Tin tức  / Vài kỷ niệm về quan hệ với Liên hợp quốc

Vài kỷ niệm về quan hệ với Liên hợp quốc

Nhân kỷ niệm 44 năm ngày Việt Nam tham gia vào Liên Hiệp Quốc, Đoàn Kết xin giới thiệu bài của ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng nước Việt Nam thời ký

Nhân kỷ niệm 44 năm ngày Việt Nam tham gia vào Liên Hiệp Quốc, Đoàn Kết xin giới thiệu bài của ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng nước Việt Nam thời ký 2002 đến 2006.

Tuy làm việc trong ngành ngoại giao từ giữa những năm 50 thế kỷ trước nhưng phải tới cuối những năm 80, cá nhân tôi mới được tiếp cận với LHQ. Số là vào thời điểm đó, tôi đã là Vụ trưởng rồi Trợ lý Bộ trưởng được phân công phụ trách các lĩnh vực ngoại giao kinh tế, lãnh sự, luật pháp, các tổ chức quốc tế, trong đó có mối quan hệ với LHQ và các tổ chức trực thuộc.

Lúc ấy, nước ta đang bị một số nước bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị nên cánh cửa hẹp duy nhất đi ra thế giới bên ngoài cộng đồng XHCN là các cơ quan của LHQ mà nước ta là thành viên từ năm 1977.

Để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng và nạn lạm phát phi mã, triển khai công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, ta đã ra sức tranh thủ các tổ chức này.

Về kinh tế – xã hội, thông qua hệ thống của LHQ chúng ta đã tranh thủ được nguồn tài trợ đáng kể, nhất là trong các lĩnh vực xã hội như lương nông, giảm nghèo, trẻ em, phụ nữ, môi trường… Một nguồn tài trợ không kém phần quan trọng là sự trợ giúp về “phần mềm”. Cá nhân tôi đã được sang nghiên cứu trong thời gian ngắn tại UNIDO – cơ quan chuyên trách về công nghiệp của LHQ đóng trụ sở ở Vienna (Cộng hòa Áo).

Qua đợt này, chúng tôi đã thu thập được khá nhiều thông tin bổ ích về kinh nghiệm xử lý lạm phát phi mã trên thế giới và quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ tại các nước NIC (các nước công nghiệp hóa mới) để cung cấp cho các cơ quan hữu quan trong nước. Một nguồn tài trợ quý báu khác là các chuyên gia của LHQ, trong đó có anh Vũ Quang Việt – một chuyên gia về thống kê của LHQ. Trong quá trình xây dựng Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên vào năm 1987, ta cũng tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của họ.

Tới đầu những năm 90 đã xuất hiện nhiều tín hiệu về khả năng gỡ bỏ tình trạng bị bao vây, cấm vận. Để thúc đẩy quá trình này, ta đã tranh thủ Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ ta xử lý các món nợ công và nợ tư do quá khứ để lại thông qua cái gọi là Câu lạc bộ Paris và London.

Lúc ấy đã là Thứ trưởng Ngoại giao, tôi được trực tiếp chứng kiến quá trình này và cảm nhận rất rõ: nếu không có sự trợ giúp của họ thì ta gặp không ít khó khăn trong một lĩnh vực rất mới mẻ.

Sau khi gỡ được nút thắt này đã xuất hiện khả năng tranh thủ nguồn “tài trợ phát triển chính thức” (ODA) – một khái niệm lúc ấy còn “lạ hoắc” đối với chúng ta.

Rất may, tôi đã được tháp tùng Phó Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự cái gọi là “Hội nghị tham vấn” đầu tiên về chủ đề này diễn ra ở Paris. Tại đó, lần đầu tiên ta có điều kiện thông báo với thế giới về đường lối đổi mới về mọi mặt của nước ta, nhất là về kinh tế xã hội, còn các nhà tài trợ song phương và đa phương là các nước phát triển và các tổ chức quốc tế hàng đầu như UNDP, IMF, WB đưa ra các cam kết tài trợ không hoàn lại hoặc tín dụng lãi suất thấp, thời hạn dài. Đây quả thực là một nguồn lực rất quý báu đối với nước ta đúng vào lúc chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu – nguồn tài trợ chính yếu cho nước ta bị xóa bỏ.

Một vấn đề khác ta đã tranh thủ được sự hợp tác đáng kể của LHQ, trực tiếp là Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) để xử lý cái gọi là vấn nạn “người ra đi bằng thuyền”.

Số là sau khi nước nhà thống nhất, tiếp đến là các cuộc chiến tranh trên biên giới Tây Nam và phía Bắc, do những khó khăn nội tại và sự kích động từ bên ngoài đã nảy sinh dòng người di tản ồ ạt ra nước ngoài, chủ yếu bằng đường biển.

Để giải quyết vấn đề này, ta đã cùng Hoa Kỳ và một số nước tiếp nhận với sự tham gia của UNHCR hình thành các cơ chế ra đi có trật tự (ODP), những người trong trại cải tạo (HO), “con lai” để bảo đảm quy trình ra đi và tái định cư êm thấm.

Đối với những người không đủ tiêu chuẩn tái định cư, ta đã cùng UNHCR hình thành cơ chế “hồi hương trật tự” với sự tài trợ tài chính thông qua hệ thống LHQ. Thông qua những hoạt động này, ta đã gỡ bỏ được một trong những trở ngại trong mối quan hệ với các nước hữu quan và mở cửa ra thế giới bên ngoài.

Và nữa, cũng vào thời điểm đó, đã nổ ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất ở Iraq, nơi trên 17.000 lao động của nước ta bị mắc kẹt. Nhờ sự trợ giúp của các cơ quan LHQ, ta đã đưa về nước an toàn anh chị em, hơn thế nữa họ còn được LHQ đền bù thiệt hại.

Qua vài việc trên, các bạn có thể thấy LHQ và các cơ quan hữu quan không chỉ có họp hành, thông qua nghị quyết mà là những nguồn lực đáng kể cân đong đo đếm được, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nước ta.

Đó là chưa kể những mối lợi “vô hình” về kiến thức, về quan hệ và ảnh hưởng quốc tế mà LHQ cùng các tổ chức quốc tế có thể đem lại.

Thú thật khi mới nhập cuộc, tôi cũng chưa hiểu rõ về tác dụng của các cuộc họp hành triền miên, hàng tấn văn bản được thông qua tại các sinh hoạt đa phương. Đi dự các khóa họp của ESCAP (Hội đồng Kinh tế – xã hội châu Á – Thái Bình Dương của LHQ) và cả Đại hội đồng LHQ, tôi lấy làm lạ thấy ngoài phiên khai mạc có đông đủ người dự, trong các phiên sau, hội trường vắng hoe, nhiều đoàn chỉ để lại 1 – 2 người ngồi nghe, trong khi ngoài hành lang và các quán giải khát lại đông nghịt người đi lại, giao lưu sôi động.

Hóa ra đó là cách người ta làm quen, bắt mối, bàn bạc những vấn đề về đa phương lẫn song phương, tập họp lực lượng, trao đổi lợi ích!

Nhập gia tùy tục, chúng tôi cũng tập tọe rồi quen dần với kiểu sinh hoạt quốc tế “kỳ lạ” này.

Đó là chưa kể các diễn đàn, tổ chức đa phương là nơi thuận tiện nhất để quảng bá chủ trương, đường lối, hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế đất nước, biến sức mạnh vô hình thành hữu hình phục vụ cho lợi ích quốc gia – dân tộc mình.

Thật tình mà nói, lúc ấy tôi hoàn toàn không hình dung nổi cái tên “Việt Nam” sẽ nổi lên như một thành viên đầy trách nhiệm và hết sức năng động, tích cực tại các thể chế đa phương tầm khu vực và toàn cầu, kể cả ở LHQ, như ngày nay.

Hai lần được bầu với tỷ lệ phiếu rất cao, hầu như tuyệt đối vào vị trí Ủy viên không thường trực của HĐBA, có chân trong cơ quan lãnh đạo của nhiều tổ chức trực thuộc khác; được coi là một mô hình kiểu mẫu trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, những nam thanh nữ tú từ hàng ngũ “bộ đội Cụ Hồ” trở thành những thành viên ưu tú của đội quân “Mũ nồi xanh” ở tít chân trời châu Phi, góp phần gìn giữ hòa bình và được nhân dân các nước yêu quý như con em thân thiết!

Chỉ qua ngần ấy điều thôi cũng có thể thấy việc tham gia LHQ là một quyết sách chiến lược đúng đắn, phản ánh cam kết của Hồ Chủ tịch trong thư của Người gửi Hội nghị London tháng Giêng năm 1946 yêu cầu kết nạp Việt Nam vào tổ chức toàn cầu này

Vũ Khoan

contactugvf@gmail.com

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content