Home / Trang chủ  / Tin tức  / Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Cộng hòa Pháp từ ngày 3/11 đến 5/11/2021

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Cộng hòa Pháp từ ngày 3/11 đến 5/11/2021

https://youtu.be/ou0VwzinPdE Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ; Bộ trưởng Bộ Tài

Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến.

Ngoài ra còn có đại diện Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ban ngành và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng tham gia đoàn.

“Duyên nợ” giữa Việt Nam và Pháp

Ngay sau khi vừa đến Pháp trên chuyên cơ từ Glasgow (Anh) đến sân bay Orly (Pháp), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm Bác Hồ tại công viên Montreau, thành phố Montreuil, mở đầu cho các hoạt động trong chuyến thăm chính thức đến Cộng hòa Pháp.

Phát biểu chào mừng đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam, Thị trưởng thành phố Montreuil, Patrice Bessac cho biết, nhiều năm qua, thành phố Montreuil vinh dự và tự hào là nơi vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và cũng là nhà thông thái, nhà văn hóa lỗi lạc.

Thị trưởng Patrice Bessac nhắc đến một câu ngạn ngữ của Việt Nam, rằng “cây có gốc mới trở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể cạn sông sâu” và cho rằng đó cũng là cội nguồn cho tình bạn, tình đoàn kết giữa nhân dân Montreuil với nhân dân Việt Nam.

“Sở dĩ ngày hôm nay chúng ta cùng có mặt tại đây, tại Montreuil, là vì chúng ta cùng chia sẻ một điều vô cùng lớn lao, đó là lịch sử chung. Montreuil là một thành phố có truyền thống đấu tranh vì sự đoàn kết, bình đẳng, chống bất công. Trong quá khứ, thành phố Montreuil đã luôn ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của nhân dân Việt Nam”.

Đáp từ sự chào mừng nồng nhiệt của Thị trưởng Patrice Bessac, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà chính quyền thành phố Montreuil cùng những người bạn Pháp đã dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam suốt bao năm qua. Thành phố Montreuil, nơi có tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn là một địa danh thân thương và gần gũi với nhân dân Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ sự vui mừng rằng sau mỗi lần quay trở lại thăm tượng Bác và không gian Hồ Chí Minh tại công viên Montreau lại thấy địa danh này đẹp hơn, trang trọng hơn. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có được điều này là do tình cảm đặc biệt, nhiều “duyên nợ” giữa Việt Nam và Pháp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thị trưởng Patrice Bessac đã cùng nhau trồng cây lưu niệm, một cây phong lá đỏ, mà theo lời thị trưởng Patrice Bessac, là thể hiện cho độc lập và tự do, cũng chính là những điều mà đất nước Việt Nam là biểu tượng.

Tiếp Giám đốc điều hành chương trình Covax

Chiều 3-11, ngay sau khi dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đến công viên Montreau đặt hoa bên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp và trao đổi với bà Aurélia Nguyễn, giám đốc điều hành Chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX.

“Xin chào, bà là người đầu tiên tôi đón tiếp trong chuyến thăm chính thc Cng hòa Pháp ln này” – Thủ tướng mở đầu câu chuyện. 

Ông cảm ơn chương trình COVAX đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 38,9 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 trong năm 2021 và đến nay Việt Nam đã nhận được gần 23 triệu liều.

Với sự hỗ trợ quý báu nêu trên, cộng với nỗ lực của Chính phủ và đồng hành đầy quyết tâm của người dân Việt Nam, Thủ tướng cho biết tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát. 

Việt Nam đã chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, dần nối lại các hoạt động kinh tế, du lịch.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn của Việt Nam là cần có thêm vắc-xin càng sớm càng tốt để mở rộng độ bao phủ tiêm chủng, tiêm cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường. 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thông báo quyết định đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD với COVAX, nâng tổng số đóng góp của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD, để thể hiện trách nhiệm, cùng đoàn kết với cộng đồng quốc tế chống dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành Chương trình COVAX đánh giá cao việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng và hiệu quả của Việt Nam thời gian qua. Bà cho biết ngay sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 20-9 vừa qua, COVAX đã đẩy nhanh việc phân bổ và chuyển vắc-xin đến Việt Nam.

Đặc biệt, COVAX vừa quyết định phân bổ thêm hơn 9 triệu liều vắc-xin Pfizer và Moderna cho Việt Nam và sẽ xem xét chuyển giao trong thời gian sớm nhất.

Bà Aurélia Nguyễn đặc biệt đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã quyết định đóng góp thêm 500.000 USD cho COVAX, thể hiện tinh thần trách nhiệm và đoàn kết quốc tế của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam là nước đang phát triển và còn nhiều khó khăn.

Lễ đón tiếp

Cuối giờ chiều ngày 3/11, lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp đã diễn ra tại Điện Invalides.

Bà Amelie de Montchallin, Bộ trưởng Chuyển đổi và Hành chính Công Pháp chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong không khí trang nghiêm, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến vào sân chính của Điện Invalides, quốc thiều Việt Nam và quốc thiều Pháp được cử lên vang vọng. Sau khi Đội danh dự diễu hành để Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt, Đội trưởng đội quân nhạc tiến đến cất lời chào người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần lượt giới thiệu thành phần đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp lần này. Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi và Hành chính Công Pháp giới thiệu đại biểu Pháp tham gia lễ đón chính thức. 

Hội kiến với Chủ tịch thượng viện Pháp Gérard Larcher

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher bày tỏ ngưỡng mộ về việc Việt Nam đã rất thành công trong việc cải cách kinh tế, duy trì được tốc độ phát triển nhanh, nhưng đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình.

Vì chưa có dịp thăm Việt Nam kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Thượng viện Pháp mong muốn sẽ sớm có dịp đến Việt Nam khi điều kiện y tế cho phép.

Ông khẳng định Pháp hết sức coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam và mong muốn quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, an ninh quốc phòng đến kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, Thượng viện và nhân dân Pháp đã hỗ trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho Việt Nam thời gian qua.

Thủ tướng đề nghị phía Pháp tiếp tục hỗ trợ cho việc phát triển năng lực y tế cho Việt Nam, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý văn hóa, đề nghị Pháp xem xét tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam ; hỗ trợ Việt Nam trong việc trùng tu các di sản văn hóa Pháp – Việt như cầu Long Biên hay các kiến trúc mang dấu ấn Pháp tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Chủ tịch Gérard Larcher sang thăm Việt Nam.

Hội kiến với Thủ tướng Pháp Jean Castex

Chiều tối ngày 3-11, tại Điện Matignon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex và dự buổi chiêu đãi.

Hai nhà Lãnh đạo đã thông tin cho nhau về tình hình của mỗi nước.

Thủ tướng Pháp cho biết sẽ hỗ trợ thêm cho Việt Nam 970.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 qua cơ chế COVAX và 400.000 liều vắc-xin qua kênh song phương, nâng tổng số vắc-xin hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 2 triệu liều.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự giúp đỡ mà Chính phủ Pháp dành cho Việt Nam trong công tác phòng chống Covid-19.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ với Pháp trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Thủ tướng đề nghị Pháp tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam, đào tạo nhân lực ngành y, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thích nghi với bối cảnh hậu Covid-19…

Về hợp tác song phương, Thủ tướng hai nước đã thảo luận về phương hướng cũng như các biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm đưa quan hệ hai nước đạt được nhiều kết quả thiết thực hơn nữa, các khuôn khổ hợp tác giữa hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Năm 2023 sẽ là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, hai Thủ tướng nhất trí cùng xây dựng kế hoạch tổng thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ để làm cơ sở đưa quan hệ Việt – Pháp phát triển lên tầm cao mới.

Theo đó, hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại ; mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương; tăng tần suất các chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp nhằm tạo cơ hội mở rộng giao lưu giữa nhân dân hai nước, tăng cường hợp tác giữa các địa phương.

Hai Thủ tướng hoan nghênh việc tổ chức hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt – Pháp lần thứ XII tại Hà Nội vào năm 2022.

Về kinh tế, hai bên thống nhất triển khai các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại song phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa của hai nước vào thị trường của nhau.

Đồng thời, hai bên cùng đề xuất biện pháp thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không – vũ trụ; cùng hướng tới xây dựng các quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài trên cơ sở chuyển giao công nghệ cao,

Hai Thủ tướng đã dự Lễ ký kết các văn bản thỏa thuận giữa các cơ quan chức năng của hai nước gồm thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp giai đoạn 2021-2026 ; thỏa thuận hành chính giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới của Pháp về việc công nhận văn bằng và các quá trình đào tạo; thỏa thuận vay và thỏa thuận viện trợ cho dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Điện Biên ; ý định thư hợp tác thực hiện các dự án vệ tinh quan sát Trái đất giữa Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp.

Các văn bản được ký kết trong lĩnh vực kinh tế – thương mại gồm biên bản ghi nhớ giữa các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietjet Air và Bamboo Airways với Safran – tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới của Pháp ; biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh, thành phố thông minh, nhân dạng kỹ thuật số và an ninh mạng giữa Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Thales. Cũng nhân dịp này, phía Bộ Công Thương cũng trao quyết định chủ trương đầu tư dự án điện lực Sơn Mỹ 1.

Trong đó, theo thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện được Vietjet và Safran ký kết, từ những hợp tác về cung cấp và sử dụng động cơ và dịch vụ động cơ máy bay thông qua CFM International, công ty liên doanh của Safran với doanh số 10 tỷ USD đã có, Vietjet và Safran tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác lên tầm chiến lược lâu dài, bao gồm tăng cường doanh số cung cấp động cơ, đồng thời mở rộng nhiều lĩnh vực khác như ghế máy bay, nội thất buồng máy bay, dịch vụ đào tạo quản lý kỹ thuật động cơ cũng như cơ hội thành lập các tổ hợp sửa chữa bảo dưỡng công nghệ cao và đào tạo tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Safran sẽ cung cấp các dịch vụ và chương trình đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật của Vietjet, đồng thời hỗ trợ hãng thành lập Tổ hợp đào tạo và sửa chữa bảo dưỡng động cơ máy bay của Vietjet tại Việt Nam. Đặc biệt, Vietjet và công ty Safran Electronics & Defense sẽ đẩy nhanh hợp tác và cung cấp cho Vietjet các giải pháp phân tích thông tin chuyến bay toàn diện và hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Trong khi đó, Bamboo Airways và Safran ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc lựa chọn động cơ và các thiết bị máy bay cho đơn hàng 50 máy bay A321NEO và 30 máy bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways. Tổng giá trị các thỏa thuận trong Biên bản ghi nhớ hợp tác ước tính đạt 2 tỷ Euro. 

Trong đó, Bamboo Airways ký kết với công ty CFM International – liên doanh của GE và Safran – thỏa thuận lựa chọn động cơ LEAP-1A và các thiết bị máy bay cho Airbus A321NEO và Boeing 787-9 trị giá khoảng 1,73 tỷ Euro.

Đồng thời, hãng ký kết các thỏa thuận gói mua trang thiết bị máy bay gồm hệ thống điện tử, nội thất, ghế, càng và phanh bánh… cho A321NEO và B787-9 với các công ty con khác của Tập đoàn Safran trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất ghế hạng thương gia và hạng nhất; các loại thiết bị hạ cánh, bánh xe và phanh ; các sản phẩm quang điện tử, điện tử hàng không và phần mềm…

Được biết, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác các đường bay thẳng đến nhiều nước châu Âu như Anh, Séc, Đức, Pháp và tới Mỹ… ngay khi điều kiện cho phép.

Còn Thales và VNPT đã ký biên bản ghi nhớ chiến lược để hợp tác trong các lĩnh vực vệ tinh viễn thông, thành phố thông minh và an toàn, nhận dạng kỹ thuật số và sinh trắc học, 5G & IoT, an ninh mạng.

Hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand

Sáng 4/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand. Chủ tịch Quốc hội Pháp bày tỏ vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Pháp. Chủ tịch Quốc hội Pháp khẳng định, Pháp hết sức coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực ; chúc mừng thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế trong thời gian qua. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại lời cảm ơn đến Nhà nước và Chính phủ Pháp đã tặng Việt Nam 400.000 liều vắc-xin qua cơ chế song phương và 1 triệu liều vắc-xin qua cơ chế COVAX, là minh chứng cho mối quan hệ gắn kết, đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cơ quan nghị viện hai nước vào việc củng cố quan hệ song phương, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand, cùng các cộng sự tại Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt. 

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử đặc biệt, nhiều duyên nợ và luôn có sự gắn kết về mọi mặt, từ quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế đến văn hóa, kiến trúc, ẩm thực và con người ; cùng quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp trên các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục… ; khẳng định Quốc hội Pháp mong muốn tăng cường hợp tác với Quốc hội Việt Nam. 

Hai bên đã trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí cho rằng các quốc gia cần phát huy vai trò trách nhiệm, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung tại khu vực. 

Ông Richard Ferrand chia sẻ về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại các vùng biển và đại dương, đặc biệt là ở Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội Pháp phối hợp với Chính phủ Pháp triển khai hiệu quả Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và ủng hộ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), nhằm tối đa hóa tiềm nặng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Pháp và các nước EU ; đồng thời ủng hộ Việt Nam trong việc thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cánh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong thời gian Pháp đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch EU vào tháng 1/2022 tới đây. 

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ và Quốc hội Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu này trong thời gian tới. Chủ tịch Richard Ferrand cũng đánh giá cao khả năng hòa nhập sâu rộng và thành công của đồng người Việt Nam tại Pháp và là cầu nối quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. 

Nhân dịp này, Thủ  tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand sang thăm Việt Nam. Chủ tịch Richard Ferrand vui vẻ nhận lời và khẳng định sẵn sàng đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sớm thăm Pháp.

Tiếp Đảng cộng sản Pháp

Sáng 4/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bí thư toàn quốc Đảng cộng sản Pháp Fabien Roussel và chuyển lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Bí thư Fabien Roussel thăm Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng được gặp lại Bí thư toàn quốc cùng đại diện Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp ; chuyển lời chào cùng những tình cảm hữu nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ban lãnh đạo và các đảng viên Đảng cộng sản Pháp.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa gửi lời chúc mừng của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Đảng Cộng sản Pháp nhân kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2020, đồng thời cũng đánh dấu 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội đầu tiên của Đảng Cộng sản Pháp.

Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động phối hợp giữa hai bên để kỷ niệm 110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thành phố Marseille, điểm đến đầu tiên trong hành trình cứu nước của Người tại Pháp.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước cùng nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn tình đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà những người cộng sản và nhân dân Pháp đã dành cho Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay; nhấn mạnh các hoạt động hợp tác hiệu quả và thiết thực giữa hai Đảng đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Pháp và gắn kết tình cảm nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp.

Thủ tướng cũng đã thông báo với Bí thư Fabien Roussel về các định hướng phát triển của Việt Nam được đưa ra tại Đại hội XIII và kết quả các cuộc gặp với Lãnh đạo Pháp, đánh giá cao các biện pháp hai bên thống nhất để đưa quan hệ phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn, nhất là trên các lĩnh vực đang nổi lên hiện nay trong phát triển của cả hai nước.

Bày tỏ vui mừng về các thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo đất nước và về quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, Bí thư  toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel tin tưởng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo động lực cho quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thay mặt những người cộng sản Pháp, Bí thư toàn quốc Fabien Roussel một lần nữa chúc mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và đánh giá cao những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế và sẽ tiếp tục thúc đẩy, vận động các đối tác Pháp, các công ty dược phẩm tích cực hỗ trợ Việt Nam.

Bí thư Fabien Roussel nhấn mạnh quan hệ giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt có tính chất lịch sử ; Ban lãnh đạo và đảng viên Đảng Cộng sản Pháp luôn quan tâm, theo dõi những bước tiến của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những người cộng sản Pháp luôn ủng hộ và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để góp phần không ngừng củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bí thư Fabien Roussel sang thăm Việt Nam, Bí thư toàn quốc toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel trân trọng cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp

Sáng 4-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp và chứng kiến Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Pháp và một số nước châu Âu.

Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và đông đảo doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì cảm nhận được tình cảm ấm áp, gắn bó, tin tưởng lẫn nhau giữa các đại biểu, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp trong hợp tác của các doanh nghiệp và Chính phủ hai nước, trong đó có 29 thỏa thuận hợp tác vừa được ký với giá trị hàng tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để hợp tác sâu rộng hơn trên các lĩnh vực. Trong đó cả việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Pháp và các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào Việt Nam, tương xứng với tiềm năng thế mạnh giữa hai nước ; phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển hiện nay.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính, đầu tư mà hỗ trợ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính ; cung cấp nguồn tài chính xanh ; công nghệ xanh ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học quản trị quốc gia.

Thủ tướng cho biết, hiện nay Việt Nam đã và đang xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo kinh tế đơn thuần ; phát triển nhanh, nhưng phải bền vững.

Thủ tướng cho biết, dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng và nguy hiểm khiến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Khi bắt đầu ứng phó với dịch, Việt Nam phải áp dụng biện pháp hành chính, nhưng khi đã có giải pháp, công thức phòng và có khả năng ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Việt Nam đang thực hiện mở cửa từng bước, dựa trên nền tảng cơ bản về kinh tế vĩ mô, xã hội… và đạt kết quả bước đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận, mặc dù vậy, Việt Nam cũng còn không ít khó khăn, thách thức như : Ứng phó trước các cạnh tranh chiến lược ; là nước đang phát triển nên còn nhiều khó khăn ; vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường ; nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, dịch bệnh…

Tuy nhiên, Thủ tướng tin tưởng với “duyên nợ” lâu năm và lòng tin chiến lược; trên tinh thần ủng hộ hòa bình, phát triển, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, người dân, doanh nghiệp hai nước đoàn kết, hợp tác thực chất, hiệu quả, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam và Pháp đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, xây dựng, quy hoạch, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Trong đó ở lĩnh vực đầu tư, thương mại có các thỏa thuận như : Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Vinfast và Tập đoàn EDF về cung cấp, lắp đặt thiết bị sạc và cung cấp dịch vụ sạc điện công cộng cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức của VinFast ; Hiệp hội Vì sự phát triển của xe diện (AVERE) trao chứng chỉ thành viên cho Vinfast; Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Airbus thỏa thuận hợp tác chiến lược về cung cấp 184 tàu bay, phát triển mới đội tàu bay thân rộng và bàn giao 3 tàu bay thân rộng A330 ; HDBank và Tổ chức tài chính Phát triển Pháp (Proparco) thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam ; Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel và đại diện Công ty Rapid Space International thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ 5G ; Tập đoàn T&T và Tập đoàn Total thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với mục tiêu đầu tư các dự án khả thi và hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỉ USD. ..

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế có các thỏa thuận như : Quyết định hỗ trợ về văn hoá, thể thao và du lịch ; Quyết định hỗ trợ toàn diện trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kế hoạch và đầu tư, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, quản lý đầu tư công và phát triển doanh nghiệp ; Tập đoàn T&T và đại diện Trung tâm phòng chống Ung thư Francois Baclesse thỏa thuận hợp tác về xây dựng hệ thống bệnh viện chất lượng cao và bệnh viện tư nhân chuyên khoa về ung bướu tại TP. Hồ Chí Minh ; Đại diện Tập đoàn T&T và đại diện Trường Quản trị Normandie thỏa thuận hợp tác về tư vấn xây dựng các mô hình giáo dục quốc tế chất lượng cao, kết nối với các trường nổi tiếng thế giới và đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn ; IDS Equity Holdings và Công ty TNHH Euro Asia Edu thỏa thuận hợp tác phát triển, thành lập trường đại học theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Y Hà Nội và đại diện Tập đoàn NG Biotech thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao Công nghệ sản xuất 175 loại test nhanh cho Việt Nam…

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux để trao đổi về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Với 185.000 DN cộng với 10 triệu lao động của MEDEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và kinh tế thực chất hơn, trên các lĩnh vực như vấn đề năng lượng tái tạo, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Trên cơ sở quy hoạch quốc gia Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh hai bên có thể tìm kiếm các dự án cụ thể để cùng nhau thúc đẩy.

Về phía Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux, ông tin tưởng vào triển vọng hợp tác và cho rằng quan hệ hai nước sẽ ngày càng phong phú, sâu sắc hơn.

“Chúng tôi thấy có nhiều cơ hội thúc đẩy kinh tế giữa Việt Nam và Pháp. Việt Nam thời gian qua rất nỗ lực cải cách và mở cửa kinh tế nên có mức tăng trưởng thuộc top những nước cao nhất thế giới”- ông Geoffroy Roux de Bézieux nhận định.

Chia sẻ với Việt Nam trong việc chịu tác động của đại dịch COVID-19, song ông cho rằng đó là khó khăn nhất thời. Chủ tịch MEDEF hoàn toàn tin tưởng triển vọng phát triển của Việt Nam vào năm 2022.

“Chúng tôi thấy Việt Nam có rất nhiều chương trình và kế hoạch phát triển mạnh mẽ, cam kết mạnh mẽ về hạ tầng, nông nghiệp sạch, y tế và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp Pháp có rất nhiều thế mạnh trong lĩnh vực này nên cánh cửa hợp tác mở rộng cho 2 bên”- theo ông Geoffroy Roux de Bézieux.

Khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến Việt Nam, Chủ tịch MEDEF cho rằng số lượng lớn biên bản ghi nhớ vừa ký kết, trao đổi giữa hai bên đã cho thấy sự quan tâm này. Song theo ông, con số trao đổi thương mại giữa 2 nước dù tăng trưởng vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên. Chủ tịch MEDEF tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Pháp sẽ tạo đà mới trong hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư.

Hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Trưa ngày 4-11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và dự tiệc chiêu đãi của Tổng thống Pháp tại Phủ Tổng thống.

Tại cuộc hội kiến, Tổng thống Macron hoan nghênh Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Pháp trong chuyến công du châu Âu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng ; đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực; mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang y tế cho nhân dân Pháp trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 ; thông báo Pháp hỗ trợ thêm cho Việt Nam 400.000 liều vắc-xin qua kênh song phương và 970.000 liều vắc-xin qua cơ chế COVAX, nâng tổng số vắc-xin Pháp hỗ trợ cho Việt Nam lên hơn 2 triệu liều, minh chứng cho tinh thần hợp tác, hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà Tổng thống Macron đã dành cho Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ; cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã hỗ trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế, đóng góp hiệu quả vào công tác chống dịch ở Việt Nam. Thủ tướng mong muốn Pháp tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị Covid-19, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Tổng thống Macron khẳng định trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và vị thế của Pháp trong Liên minh châu Âu cũng như trên trường quốc tế ; hoan nghênh các quốc gia, trong đó có Pháp, phát huy vai trò trách nhiệm, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung tại khu vực.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác Chiến lược Việt Nam – Pháp vào năm 2023, hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng xây dựng kế hoạch hằng năm với những nhiệm vụ cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh – quốc phòng, đến văn hóa, y tế, khoa học, giáo dục – đào tạo, pháp luật và tư pháp, hợp tác giữa các địa phương. Pháp hoan nghênh và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt – Pháp lần thứ XII tại Hà Nội vào cuối năm 2022.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần củng cố hơn nữa trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Pháp, cùng thống nhất các phương hướng và biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại giữa hai nước, hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa của hai nước thâm nhập thị trường của nhau ; thống nhất thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không – vũ trụ; cùng hướng tới xây dựng các quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài trên cơ sở chuyển giao công nghệ cao, cùng có lợi, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ số…

Tổng thống Pháp đánh giá hợp tác và giao lưu văn hóa sôi động giữa hai nước là điểm sáng trong quan hệ song phương và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Trung tâm Văn hóa của hai nước ở Việt Nam và Pháp; mong muốn hai bên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Viện Pháp tại Việt Nam cũng như Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí với ý kiến của Tổng thống Pháp, đồng thời đề nghị Pháp duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các dự án về y tế, đặc biệt với nguy cơ dịch bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chương trình giảng dạy tiếng Pháp và dạy bằng tiếng Pháp tại Việt Nam ; mong muốn Pháp tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh, sinh viên trao đổi, học tập, nghiên cứu tại Pháp, tăng số lượng học bổng và đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo cán bộ hành chính công cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp của Pháp tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, mong Pháp sẽ là cầu nối giúp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam cũng như ASEAN với EU, nhất là khi Pháp chuẩn bị đảm nhiệm Chủ tịch EU vào tháng 1-2022. Hai bên nhất trí tích cực triển khai và tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đồng thời thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tạo xung lực cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Pháp và EU. Tổng thống Macron cho biết Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác phát triển ngành thủy sản bền vững với Việt Nam và hứa sẽ xem xét thúc đẩy Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ kết quả Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, thông báo Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các chính sách và biện pháp mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 ; mong muốn các nước phát triển, trong đó có Pháp, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Macron nhất trí ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Pháp lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Tổng thống Emmanuel Macron sang thăm Việt Nam. Tổng thống Pháp đã vui vẻ nhận lời.

Gặp gỡ đại diện Việt kiều tại Pháp và một số nước Âu châu

Tối ngày 4/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt với đại diện kiều bào tại khu vực châu Âu, được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Cùng tham dự cuộc gặp mặt có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, các đại sứ Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước châu Âu.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại các nước châu Âu bày tỏ đánh giá cao chuyến công tác đặc biệt tới Anh và Pháp đạt nhiều kết quả tốt đẹp của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ; bày tỏ xúc động và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chuyến đi đã mang lại kết quả vang dội, cụ thể, được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Các đại biểu thông báo về tình hình đời sống, học tập, sinh hoạt và làm việc tại nước sở tạ ; khẳng định lòng tự hào dân tộc, tình cảm sâu sắc với quê hương, đất nước với những hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua ; bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới. Đồng thời, các đại biểu nêu nhiều kiến nghị, đề xuất, góp ý với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, nhất là trong tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư và tạo điều kiện tốt hơn nữa để kiều bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và phát triển đất nước…

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng xúc động cho biết, ông cảm nhận sâu sắc tình cảm sâu đậm, nồng ấm của đồng bào đã tới dự cuộc gặp mặt từ những nơi xa xôi trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp, với những phát biểu tâm huyết, trách nhiệm với quê hương, đất nước, đồng bào.

Ông nhắc lại câu thơ “Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi” và những câu chuyện dân gian của dân tộc với những bài học có ý nghĩa quan trọng, sâu sắc như Thánh Gióng (về tinh thần, sức mạnh chống ngoại xâm), câu chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ (về tinh thần đoàn kết dân tộc), câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh (về tinh thần và kinh nghiệm ứng phó thiên tai, bão lũ), câu chuyện Mỵ Châu (tinh thần cảnh giác với kẻ thù), câu chuyện Tấm Cám hay Thạch Sanh (tôn vinh những người lao động cần cù, thật thà)… Thủ tướng cho rằng, nhân dân ta, cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử đã vận dụng, phát huy những bài học, giá trị truyền thống lâu đời đó một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử.

Theo Thủ tướng, đất nước ta đã trải qua những thăng trầm, thách thức, biến cố lịch sử lớn, những cuộc chiến tranh kéo dài, bị bao vây cấm vận, sau đó mới tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986. Từ lúc rất khó khăn khi bắt đầu đổi mới, “làm ăn không đủ ăn, xuất không đủ nhập, thu không đủ chi”, đến nay, chúng ta đã phát triển đất nước với quy mô GDP đứng thứ 4 trong ASEAN, thu nhập bình quân đầu người 3.500 USD, có vị thế mới và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ kết quả Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự các sự kiện gần đây như Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, cũng như kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chương trình tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng xanh…

Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn mạnh với 5 triệu người, có liên hệ rất quan trọng với đất nước. Khi làm việc với lãnh đạo bất cứ nước nào, Thủ tướng cũng đề nghị quan tâm, tạo điều kiện, tạo cơ hội cho người Việt ổn định cuôc sống, đóng góp vào tình hữu nghị của hai nước và xây dựng nước sở tại.

“Rất đáng mừng là ở đâu, chúng ta cũng chứng minh được, ở đâu người ta cũng khen ngợi người Việt Nam chăm chỉ, thông minh, linh hoạt, vượt khó. Truyền thống của chúng ta là mỗi lúc khó khăn, thử thách lại nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định mình, điều này được hun đúc qua các thời kỳ lịch sử, từ lòng yêu nước, thương nòi, từ tinh thần, sức mạnh đoàn kết”, Thủ tướng xúc động chia sẻ.

Thủ tướng bày tỏ, thời gian tới, điều được Đảng, Nhà nước mong muốn nhất là bà con kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, đồng thời gắn bó với nước sở tại, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại ; chủ  động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn bà con tiếp tục giữ vững, phát huy lòng tự hào, tự tin dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên, khẳng định mình; góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và nước sở tại ; xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và đóng góp xây dựng đất nước cũng như nước sở tại.

Gặp gỡ Hội hữu nghị Pháp – Việt (AAFV)

Chiều 5/11, Ban lãnh đạo Hội Hữu nghị Pháp – Việt Nam (AAFV) do ông Gérard Daviot, Chủ tịch Hội dẫn đầu đã đến chào Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Chủ tịch Gérard Daviot đã báo cáo về quá trình hoạt động của Hội AAFV kể từ khi thành lập và tham gia ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do trước đây cũng như trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước hiện nay.

Hội đã và đang tiếp tục có nhiều hoạt động hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam, khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đa dạng với Việt Nam, trong đó có việc giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và đồng hành cùng Việt Nam trong chống dịch COVID-19, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo phục vụ phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng AAFV nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ; đánh giá cao vai trò trụ cột của AAFV, với bề dày truyền thống của Hội, trong các hội đoàn đoàn kết và hợp tác giữa Pháp và Việt Nam ; bày tỏ trân trọng những đóng góp của Hội cũng như của các chi hội trong việc thắt chặt và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước; gửi lời cảm ơn các thế hệ lãnh đạo và thành viên đã có rất nhiều đóng góp ủng hộ, đoàn kết, giúp đỡ Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Nhân dân Việt Nam rất trân trọng và không bao giờ quên những tình cảm và đóng góp quý báu đó. Thủ tướng khẳng định luôn hoan nghênh và ủng hộ các dự án, hoạt động của Hội vì Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự tận tâm và tâm huyết của nhiều thành viên, sự năng động của một số chi hội địa phương và đà phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương, Hội Hữu nghị Pháp – Việt sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực và có những đóng góp thiết thực hơn nữa để tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp và sự gắn bó chặt chẽ giữa Chính phủ, nhân dân hai nước.

Thăm Viện Pasteur

Sáng 5-11, tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Viện Pasteur Paris. Cùng dự cuộc làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành tham gia đoàn công tác, Đại sứ Việt Nam tại Pháp và Đại sứ Pháp tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Viện Pasteur Paris là một địa chỉ mà Thủ tướng chọn đến trong chuyến thăm chính thức Pháp lần này, vì đây là một trong những cơ quan có mối quan hệ chặt chẽ với các Viện Pasteur của Việt Nam, tiêu biểu cho mối quan hệ của ngành Dịch tễ học, ngành Y tế và quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Pháp. Trên thế giới ít có nước nào có tới 3 Viện Pasteur phân bố ở 3 miền như ở Việt Nam. Điều này cho thấy tầm nhìn xa của những người đi trước. Tại Việt Nam, nhiều người dân muốn đến các Viện Pasteur và đánh giá cao tầm quan trọng của 3 viện đối với ngành Y tế Việt Nam nói riêng và với sức khỏe người dân nói chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn lãnh đạo, đội ngũ cán bộ Viện Pasteur Paris qua các thế hệ đã quan tâm, hỗ trợ các Viện Pasteur của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, nhất là hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, kinh phí, giám sát xét nghiệm Covid-19 vừa qua.

Thủ tướng cho biết, đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều bài học quý, trong đó có việc phát triển hệ thống các viện nghiên cứu dịch tễ học. Nhất là với Việt Nam, một nước nhiệt đới đang phát triển, các dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nếu không nghiên cứu và chủ động một cách cơ bản, căn cơ để có các biện pháp tích cực, hiệu quả trong phòng, chống dịch thì hậu quả rất lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Bài học chúng tôi rút ra là một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể những mất mát khác. Do đó, chúng tôi rất quan tâm vấn đề này, điều này không phải là ngẫu hứng mà là đòi hỏi khách quan”.     

Thủ tướng cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm chính thức Pháp lần này là thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về y học và dịch tễ học lên mức cao hơn, thiết thực, hiệu quả, thực chất hơn, nằm trong tổng thể hợp tác chiến lược giữa hai nước. Theo Thủ tướng, qua các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo của Pháp, một trong những trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là khoa học công nghệ và y tế. 

Chiều tối 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Paris, kết thúc chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.

 

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

POST A COMMENT

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Skip to content