Home / Trang chủ  / Tin tức  / Chi tiêu của một gia đình trung bình, không giàu nhưng cũng không nghèo ở TPHCM

Chi tiêu của một gia đình trung bình, không giàu nhưng cũng không nghèo ở TPHCM

Vợ chồng anh Trần Đông Thức (35 tuổi, ngụ ở quận 8, TPHCM) đã có nhà riêng, có một con nhỏ 2 tuổi. Anh làm giáo viên tự do và vợ làm ở lĩnh vực

Vợ chồng anh Trần Đông Thức (35 tuổi, ngụ ở quận 8, TPHCM) đã có nhà riêng, có một con nhỏ 2 tuổi. Anh làm giáo viên tự do và vợ làm ở lĩnh vực truyền thông. Tổng thu nhập của gia đình anh Thức khoảng 20-25 triệu đồng / tháng.

Một buổi sáng theo chân anh đến một siêu thị nhỏ gần nhà. Cầm 500.000 đồng trên tay, anh Thức không khỏi đắn đo, cân nhắc để lên thực đơn cho gia đình.

Sau một hồi tính toán, anh Thức quyết định mua một con cá lóc giá 90.000 đồng (khoảng 1,2kg). Sau đó, anh đến quầy rau củ để mua thêm cà chua, bạc hà và rau mùi. Tuy nhiên, sau khi tham khảo giá của từng món, anh quyết định mua gói nguyên liệu hỗn hợp (gồm bạc hà, đậu bắp, rau mùi) với giá khoảng 45.000 đồng cùng với gói cải thìa giá 30.000 đồng. 

Đến quầy trái cây, anh Thức chọn mua nửa quả thơm (42.000 đồng/kg) kèm 1kg xoài cát hòa lộc (3 trái) giá 70.000 đồng/kg. Sau cùng, anh lấy thêm 2 túi gạo (mỗi túi 5kg) với giá 280.000 đồng. Kết thúc buổi đi chợ, anh Thức thanh toán hóa đơn với số tiền là 560.000 đồng. Nếu không tính gạo thì chi phí ăn uống trong ngày là 280.000 đồng.

Anh Thức cho biết: “Bình quân gia đình tôi dành khoảng 300.000 đồng cho một lần đi chợ, gồm 3 bữa cơm trong ngày. Bữa cơm tiêu chuẩn của gia đình tôi thường có món canh, món xào, món mặn kèm trái cây tráng miệng. Giá thịt đùi bò hôm nay đã 265.000 đồng/kg, nếu chọn ăn bò thì tôi cắt bớt đi món canh hoặc trái cây tráng miệng. Sau khi cân nhắc, tôi nghĩ nên ăn cá để đảm bảo chi tiêu hơn. 

Tôi chọn mua cá lóc vì có thể dùng phần đầu và đuôi để nấu canh chua, phần thân cá để chiên hoặc kho là được 2 món. Về trái cây tráng miệng, gia đình tôi thường ưu tiên chọn trái cây nhiệt đới (xoài, ổi, đu đủ) vì giá rẻ hơn, tuy nhiên tôi không ngờ giá  của các loại quả này cũng tăng đáng kể”.

Theo anh, mặc dù đặt chỉ tiêu cho buổi đi chợ là 300.000 đồng, nhưng đa số đều phát sinh hơn 500.000 đồng khi phải mua thêm gạo, gia vị, dầu ăn…

“Với gia đình tôi, 500.000 đồng chỉ đủ đảm bảo tiền ăn thôi, chứ cầm số tiền này ra đường thì không ăn thua. Minh chứng là chỉ mỗi tiền đi xe công nghệ của vợ tôi từ nhà đến chỗ làm đã hết 100.000 đồng (đi và về), hoặc ăn 2 tô phở cũng đã hơn 100.000 đồng”. 

Anh liệt kê các khoản chi tiêu của gia đình trong tháng : Tiền ăn khoảng 9 triệu đồng, điện nước 1 triệu đồng, tiền mua đồ dùng sinh hoạt là 1 triệu đồng, xăng xe khoảng 500.000 đồng, học phí và sữa tã cho con trai thêm 5 triệu đồng…

“Hàng hóa tăng giá, trong khi thu nhập của người dân lại biến động, bấp bênh. Gia đình tôi chỉ đủ ăn, đủ mặc. Mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được một ít nhưng không được nhiều, nếu muốn mua đồ có giá trị hoặc đi du lịch thì phải cân nhắc, dành dụm trong nhiều tháng”, anh bộc bạch.

Theo anh Thức, một hộ gia đình muốn sống ở TPHCM thì thu nhập ít nhất là 20 triệu đồng, nếu thấp hơn phải dè sẻn chi tiêu để không rơi vào cảnh chạy vạy mượn tiền. Với các gia đình chưa có nhà thì phải chi thêm tối thiểu 5 – 10 triệu đồng thuê nhà. 

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content