Home / Trang chủ  / Thương mại Việt - Pháp  / Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam-Pháp lần thứ 8

Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam-Pháp lần thứ 8

Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt - Pháp đã diễn ra ngày 17/5 tại thủ đô Paris. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc

Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt – Pháp đã diễn ra ngày 17/5 tại thủ đô Paris.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Bộ trưởng Ngoại thương, Thu hút nước ngoài, Pháp ngữ và người Pháp ở nước ngoài, Franck Riester, đã đồng chủ trì kỳ họp này, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, các đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình và các đối tác Pháp.

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Franck Riester nhấn mạnh, Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt-Pháp 2024 nhằm cụ thể hóa những nội dung được thống nhất trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2023. Trên tinh thần đó, Pháp sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng trong đổi mới kinh tế, chống biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng cho biết nhờ vào hàng loạt cải cách đầy tham vọng về thuế, lao động và năng lực cạnh tranh kinh doanh trong 5 năm qua, Pháp đang là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam đang ngày càng hiện diện trong các chuỗi giá trị ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cũng là đối tác kinh tế chiến lược lớn của Pháp ở khu vực trọng yếu này đối với sự cân bằng toàn cầu hiện nay.

Trao đổi thương mại hai nước đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm với con số 7,6 tỷ euro được ghi nhận vào năm 2023. Đầu tư song phương cũng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây với 1,5 tỷ euro vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Pháp vào Việt Nam. Bộ trưởng tin rằng các doanh nghiệp Pháp có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được các tham vọng của mình và bày tỏ mong muốn cùng Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu đã đặt ra, trong đó phải kể đến mối quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Pháp, thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), đã huy động 500 triệu euro để giúp Việt Nam.

Về phía mình, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh kỳ họp lần này cũng được tiếp nối sau nhiều cuộc gặp gỡ, điện đàm trong năm 2023 giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước, là cơ hội để hai bên trao đổi sâu về chiến lược, chính sách kinh tế liên quan, những vấn đề về quan hệ đa phương, song phương, trong đó có các chương trình, dự án hợp tác đầu tư được hai bên đặc biệt quan tâm trong thời gian qua và giai đoạn tới.

Theo ông, kể từ thời điểm kỳ họp lần thứ 7 đến nay, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến sâu sắc và phức tạp. Một số bất ổn, mâu thuẫn kéo dài giữa các chủ thể về địa chính trị, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ đã bùng phát thành xung đột vũ trang, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh, phát triển của các nước, trong đó Việt Nam và Pháp cũng không nằm ngoài tác động, ảnh hưởng của những thách thức này.

Tuy vậy, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua luôn là trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược, vẫn đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận. Pháp tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và dẫn đầu châu Âu về cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.

Ông cũng chia sẻ về những nỗ lực nhằm phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện cơ cấu lại theo hướng giảm đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công – tư.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.

Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triền của nhà nước và các khoản vốn vay khác của nhà nước), Việt Nam đảm bảo sẽ được kiểm soát chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả đầu tư, kế hoạch trả nợ và những tác động của vay vốn để ổn định kinh tế vĩ mô như cân đối ngân sách, lạm phát, dư nợ công, dư nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ…

Để tiếp tục tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, Việt Nam đang nỗ lực tập trung hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Tại kỳ họp này, hai bên nhận định quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đạt được nhiều tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên trao đổi thẳng thắn về chiến lược, chính sách kinh tế liên quan, những vấn đề quan hệ đa phương, song phương, trong đó có các chương trình, dự án hợp tác đầu tư được hai bên đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Hai bên cũng đã xác định phương hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới bao gồm ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển công nghiệp bán dẫn… Phía Pháp cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới, đáp ứng các ưu tiên phát triển của Việt Nam.

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content