Tập đoàn lớn của Việt Nam tham gia xây dựng tuyến métro TPHCM – Cần Giờ
Tại TPHCM, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất với UBND TPHCM được tự bỏ kinh phí nghiên cứu, khảo sát và đề xuất phương án đầu tư tuyến metro từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ.

Tại TPHCM, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất với UBND TPHCM được tự bỏ kinh phí nghiên cứu, khảo sát và đề xuất phương án đầu tư tuyến metro từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ. Tuyến metro này có chiều dài 48,7km, bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7), đi theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông và chạy dọc theo tuyến Rừng Sác đến khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Vingroup cũng đề xuất nghiên cứu tuyến metro này kết hợp với dự án cầu Cần Giờ nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ, tối ưu hóa chi phí đầu tư và phát huy tối đa hiệu quả hạ tầng giao thông.
Bên cạnh Vingroup, Tập đoàn Trường Hải (THACO) – cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào lĩnh vực đường sắt đô thị, đặc biệt là sản xuất toa tàu và các cấu kiện thép. Với năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm và hợp tác quốc tế, THACO có thể tổ chức sản xuất ngay tại Việt Nam thay vì phải nhập khẩu, giúp giảm giá thành và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng đường sắt đô thị.
Ông Phan Công Bằng – Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, Nghị quyết 188 đã tạo cơ chế đặc thù, cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia trực tiếp vào quá trình triển khai mà không cần qua nhiều khâu xét duyệt chủ trương đầu tư như trước đây. Đây là bước tiến quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến metro.
Ông Bằng cũng nhấn mạnh, vấn đề cần tập trung hiện nay là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu TPHCM sớm có mặt bằng “sạch”, các nhà đầu tư sẽ có điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án theo đúng tiến độ.
Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa
TS. Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM – nhận định, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu, Chính phủ có thể chỉ định các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực đường sắt, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin… tham gia sản xuất linh kiện, thiết bị cho metro, từ đó hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững.
Chiều ngược lại, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư và sản xuất. Những tập đoàn như Vingroup hay THACO đã thể hiện quyết tâm tham gia vào lĩnh vực này, song để họ có thể phát triển lâu dài, cần có sự hỗ trợ nhất quán từ Chính phủ và các địa phương.
TPHCM cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và sớm ban hành cơ chế hợp tác công – tư (PPP) rõ ràng nhằm tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư.