Home / Trang chủ  / Tin tức  / Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam sẵn sàng lên quỹ đạo

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam sẵn sàng lên quỹ đạo

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam đã chế tạo xong, hệ thống mặt đất tại Hòa Lạc cũng hoàn thành, sẵn sàng nhận dữ liệu sau khi vệ tinh phóng lên quỹ đạo. Thông tin

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam đã chế tạo xong, hệ thống mặt đất tại Hòa Lạc cũng hoàn thành, sẵn sàng nhận dữ liệu sau khi vệ tinh phóng lên quỹ đạo. Thông tin được PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa ra ngày 5/3/2025.

Kế hoạch phóng LOTUSat-1 vào tháng 2/2025 phải dời lại và chưa có lịch cụ thể, do tên lửa đẩy Epsilon-S phóng thử nghiệm không thành công hôm 26/11/2024.

“Phía Nhật Bản đang cân nhắc giữa việc tiếp tục sử dụng Epsilon-S sau khi khắc phục hoặc chuyển loại tên lửa khác”, PGS Tuấn nói. Ông cho biết VNSC đang phối hợp với các đối tác Nhật Bản xác định ngày phóng mới, đảm bảo vệ tinh hoạt động ổn định sau khi phóng trong thời gian sớm nhất.

Việc chế tạo LOTUSat-1 là một trong những bước đặt nền móng cho Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Việt Nam tiến tới tự chủ hơn trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Tại Việt Nam, hệ thống mặt đất được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, bao gồm antenne mặt đất đường kính 9,3 m để thu nhận tín hiệu, trung tâm điều khiển, vận hành vệ tinh và trung tâm xử lý dữ liệu vệ tinh. VNSC đã tiếp nhận công nghệ từ Nhật Bản để vận hành hệ thống này. Vệ tinh sẽ thực thi các nhiệm vụ được đặt hàng, trọng tâm trước mắt là các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Dữ liệu từ vệ tinh sẽ được xử lý nhanh chóng, cung cấp thông tin chính xác, hỗ trợ cơ quan chức năng và người dân ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc gia.

Vệ tinh LOTUSat-1 được chế tạo tại Nhật Bản.

LOTUSat- 1 có trọng lượng 600 kg, là vệ tinh công nghệ radar có thể phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác giúp ứng phó với thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.

Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ từ năm 2006. Dưới sự hỗ trợ của Cơ quan vũ trụ Nhật Bản JAXA, các kỹ sư của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam VAST đã nghiên cứu, chế tạo ba vệ tinh siêu nhỏ “Made in Viet Nam” gồm PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon và đã được JAXA hỗ trợ phóng thành công vào quỹ đạo.

Ngoài ra, còn 4 vệ tinh khác của VN cũng đã được phóng lên vũ trụ là Vinasat-1, Vinasat-2,  F1, VNREDSat-1. 

dienhai.nguyen@free.fr

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content