Ý kiến của một chuyên gia về những bất cập trong quy hoạch TP HCM hiện nay
Là nhà quy hoạch đô thị, ông có nhận xét gì về kiến trúc nhà công cộng và nhà ở đô thị ở VN hiện nay ? Theo ông, đâu là những bất cập trong

Là nhà quy hoạch đô thị, ông có nhận xét gì về kiến trúc nhà công cộng và nhà ở đô thị ở VN hiện nay ? Theo ông, đâu là những bất cập trong kiến trúc đô thị của chúng ta ?
Đất nước mình sau nhiều năm khó khăn kinh tế nên đến khi khấm khá lên, người dân thấy cái gì lạ mắt cũng muốn du nhập vào. Thời mở cửa, nhiều cái mới tràn vào VN, trong đó bao gồm công trình xây dựng chen chúc với đủ thứ màu sắc, phong cách, chất liệu, tạo ra xu hướng kiến trúc hỗn tạp, lộn xộn, kèm nguy cơ tổn hại tiêu cực đến giá trị bản sắc đô thị VN.
Thứ đến là phát triển ngày càng theo xu hướng kém bền vững. Mọi thứ đều hướng đến lợi ích kinh tế, sẵn sàng xâm hại công trình di sản và không gian bản sắc đô thị để xây chen nhà cao tầng và bê tông hóa không gian xanh, mặt nước hiếm hoi của nội thành, gây tác động xấu đến môi trường, kẹt xe, ô nhiễm, khói bụi, ngập nước…
Ông từng phát biểu: “Quy hoạch đô thị cần đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng và rất riêng của mọi tầng lớp dân cư, từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, từ nhà đầu tư và doanh nghiệp cho đến những tiểu thương buôn bán nhỏ, từ dân địa phương cho đến dân nhập cư”. Quy hoạch đô thị ở TP.HCM có theo đề xuất này?
Một quy hoạch muốn khả thi thì phải dựa trên nghiên cứu hiện trạng đất đai, kinh tế, xã hội… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp dân cư.
Quy hoạch đô thị ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chưa định hướng được xu hướng phát triển, mà thường chịu tác động lớn của tầm nhìn ngắn hạn theo nhiệm kỳ và đầu cơ địa ốc, do đó thường bị lệch pha, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Ví dụ, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở giá rẻ cho người lao động và dân nhập cư, thì lại tập trung xây dựng quá nhiều căn hộ cao cấp ngoài tầm với khả năng của đại đa số, dẫn đến tình trạng người mua chủ yếu để đầu tư chứ không ở, nhưng lại khó tìm được người cho thuê có khả năng chi trả, do đó hình thành những khu “đô thị ma” trong lòng các đô thị lớn. Mặt khác, nhiều khu nhà ở cao tầng dành cho dân tái định cư, như tại Thủ Thiêm, cũng thiếu người ở, do chỉ mới quan tâm đến việc cung cấp diện tích ở, nhưng chưa đáp ứng được việc làm tại chỗ và tiện ích phù hợp túi tiền của cư dân.
Nguyên do chính khiến TP.HCM nói riêng và nhiều đô thị khác ở VN nói chung đang bị bê tông hóa, ô nhiễm trầm trọng, ngập nặng khi có mưa… là do quy hoạch hay do ý thức người dân?
Hai nguyên nhân chính, là do con người và do quản lý chưa tốt!
Khi mong kiếm tiền nhiều nhất, trước việc nhà đầu tư muốn chặt cây, lấp hồ và kênh rạch, bê tông hóa công viên, để tăng quỹ đất xây dựng làm dự án địa ốc, thì nhà quản lý đô thị phải giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm, để bảo vệ lợi ích chung của cư dân.
Hiện nội thành TP.HCM chỉ có khoảng 0,5 m2 không gian xanh/đầu người, quá thấp so với mức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị để đảm bảo sức khỏe cho cư dân, tối thiểu là 9 m2 , lý tưởng là trên 50 m2/đầu người. Bê tông hóa quá cao ở TP.HCM và cả trên cao nguyên, ngoài hải đảo, làm cho đô thị ngày càng ngập nước.
Ông từng cảnh báo TP.Thủ Đức có thể trở thành dự án bất động sản khổng lồ nếu xem nhẹ tiêu chí phát triển bền vững. Theo ông, TP.Thủ Đức có thật sự là đô thị vệ tinh chưa, và cần làm gì để thay đổi?
TP.Thủ Đức là thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Thử thách lớn nhất trước mắt, là TP.Thủ Đức không thể chỉ gồm bài toán cộng các thành tựu riêng của 3 quận huyện trước đây, mà cần phải chứng tỏ được hiệu quả tư duy đột phá và thành tựu vượt trội gấp nhiều lần hơn trước, không chỉ ở quy mô các dự án bất động sản mà cả ở quy mô đóng góp cho tăng trưởng chung về kinh tế – xã hội, để có cơ sở khoa học cho việc xem xét nhân rộng mô hình này tại TP.HCM và trên cả nước.

Phát triển đô thị không thể chỉ chạy theo vẻ bề ngoài của những đường cao tốc và trung tâm mua sắm sang trọng, mà phải tính đến môi trường, không gian xanh, chất lượng sống. Theo ông, đầu tư văn hóa, công viên, trường học, bệnh viện… tốn kém hơn nhiều so với đầu tư thương mại, nhưng đó mới thực sự là đầu tư khôn ngoan, nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị. Ông có thể giải thích rõ hơn?
Tại VN thường xảy ra tình trạng tại nhiều khu dân cư mới, đường giao thông kết nối kém, kẹt xe, ngập nước do hạ tầng yếu kém, tiện ích xã hội không có.
Một chiến lược rất quan trọng cho việc chỉnh trang và mở rộng đô thị, là để tạo nền tảng cho phát triển bền vững, hạ tầng phải luôn được hoàn thành đi trước một bước, bao gồm hạ tầng kỹ thuật (đường sá, cấp thoát nước, điện…) và hạ tầng xã hội (tiện ích đi kèm như trường học, bệnh viện, công viên, dịch vụ thương mại, trung tâm thể dục thể thao…).

Ông có thể chia sẻ vài kinh nghiệm quốc tế trong công tác bảo tồn di sản có thể ứng dụng tại TP.HCM?
Bảo tồn di sản của cả nước được quản lý bởi luật Di sản văn hóa vẫn còn nhiều thiếu sót do chỉ tập trung vào bảo tồn di tích, vốn chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ các di sản quy hoạch kiến trúc.
Trong thực tế, trên 80% công trình di sản kiến trúc đô thị không phải là di tích, nên có thể chỉ cần bảo tồn nguyên trạng một phần, phần còn lại và khu lân cận có thể được cải tạo, chỉnh trang, hoặc mở rộng, tích hợp các chức năng mới, miễn là hài hòa với không gian di sản của công trình chính.
Đó cũng là chìa khóa giúp tạo nên sự thành công của dự án bảo tồn và chỉnh trang khu phố cổ Tân Thiên Địa mà chúng tôi thực hiện tại Thượng Hải (Trung Quốc), cho thấy việc bảo tồn hoàn toàn có thể đem lại hiệu quả cao về kinh tế, khi khu này giờ đây đã trở thành một trong những nơi đóng góp nhiều nhất cho ngân sách thành phố.
Ngô Viết Nam Sơn
Tiến sĩ khoa học – kiến trúc sư, đã từng thực hiện tư vấn thiết kế TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, Khu đô thị hành chính tỉnh Thừa Thiên – Huế, Khu đô thị mới Nam Saigon. Tại ngoại quốc là Khu đô thị Filinvest (Mỹ), Sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông – Khu trung tâm kinh tế Thượng Hải (Trung Quốc), Trung tâm huấn luyên phi công Orlando (Mỹ)