Home / Trang chủ  / Tin buồn  / Đỗ Tấn Sĩ (1942-2024)

Đỗ Tấn Sĩ (1942-2024)

Hội người Việt Nam tại Pháp vô cùng đau buồn thông báo Ông Đỗ Tấn Sĩ Đã từ trần ngày 20 tháng 01 năm 2024 tại Bruxelles, hưởng thọ 82 tuổi. Ông là một nhân vật nổi bật

Hội người Việt Nam tại Pháp vô cùng đau buồn thông báo

Ông Đỗ Tấn Sĩ

Đã từ trần ngày 20 tháng 01 năm 2024 tại Bruxelles, hưởng thọ 82 tuổi.

Ông là một nhân vật nổi bật được kính trọng trong cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ và là người bạn lớn thân thiết của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF).

Chúng tôi xin chân thành chia buồn cùng chị Quới, anh Lân và chị Chương Đài.

Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF)

Đỗ Tấn Sĩ, người con ưu tú của cộng đồng người Việt yêu nước tại Bỉ

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ven bờ sông Đồng Nai, giữa đình Phước Lư và cầu Rạch Cát. Đó là nơi ghi dấu tuổi thơ ấu và những năm tháng trưởng thành của anh, người con của sông nước và rặng dừa thơ mộng. Hơn 30 năm xa xứ, thấm sâu trong lòng anh vẫn là hình ảnh và những câu chuyện bên dòng sông nơi quê nhà. 

Tốt nghiệp cử nhân toán ở Sài Gòn năm 1964, anh được học bổng làm Tiến sĩ Vật lý tại Bỉ. Và những ngày anh làm việc trợ giảng, nghiên cứu vật lý ở các trường Đại học ở Bỉ cũng là thời gian anh cùng những người Việt Nam yêu nước là “địa chỉ đỏ” của Cách mạng ở bên ngoài Tổ quốc, góp phần quan trọng trên mặt trận ngoại giao cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở trong nước thắng lợi.

Anh từng là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bỉ từ năm 1977 đến năm 1994 và đã được bầu vào Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 khóa liền (khóa 4,5,6,7 – 1994 đến 2009) ; đồng thời, sau khi về định cư trong nước, là Phó chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh, được thành lập năm 2006 với mục tiêu nhằm tập hợp kiều bào đã hồi hương, thân nhân kiều bào và những người quan tâm đến công tác kiều bào.

Những năm ở Bỉ, trong căn phòng nằm ở tầng trệt số nhà 49 phố Emile Banning tại Bruxelles, anh cùng những người bạn của mình đã miệt mài chế tạo những tấm lưới để in các bức áp phích bằng kỹ thuật sérigraphie, giới thiệu các hoạt động văn hóa, nghệ thuật do sinh viên Việt Nam biểu diễn ở các thành phố của Bỉ như Mons, Charleroi, Liège, Bruxelles, nhằm quyên góp ủng hộ cho phong trào đấu tranh trong nước hay in các tài liệu tuyên truyền.

Rồi việc tập hợp các phong trào nhỏ lẻ ở các tỉnh tại Bỉ thành Ủy ban Bảo vệ quyền lợi sinh viên Việt Nam tại Bỉ hoạt động mạnh mẽ, cổ vũ cho các phong trào sinh viên yêu nước tại Pháp, Tây Đức.

Cuộc đấu tranh ở Bỉ đã lên đỉnh điểm khi một nhóm sinh viên Việt Nam của trường Đại học Tự do Bruxelles (Université libre de Bruxelles) tuyệt thực để phản đối việc Sứ quán Việt Nam Cộng hòa đàn áp sinh viên Việt Nam. Nhiều tờ báo lớn của Bỉ hồi đó đã đồng loạt đưa tin trên trang nhất, gây tiếng vang lớn khiến Sứ quán Việt Nam Cộng hòa phải xuống thang.

Sáng 30/4/1975, anh cùng ba sinh viên Việt Nam khác, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thay mặt cho phong trào, đàng hoàng tới Sứ quán Việt Nam Cộng hòa, yêu cầu bảo quản tài sản để trao lại cho chính quyền mới, dưới sự chứng kiến của đông đảo sinh viên đến xin gia hạn hộ chiếu vào giờ phút chót.

Anh rất gần gũi với phong trào tại Pháp, được anh em bên Pháp quý trọng, kính mến, xem như người thân trong gia đình vậy. Anh thường xuyên cùng một vài người trong phong trào sang Paris để nắm thêm tình hình trong nước, đặc biệt là diễn biến cuộc đấu trí của hai phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Hội nghị Paris (1968-1973). Đồng thời, anh cùng chị và các cháu thường xuyên tham gia vào các trại hè, đại hội văn nghệ thể thao do bên Pháp tổ chức. Sau năm 1976, anh đã có sáng kiến cùng với Hội người Việt Nam tại Pháp, tổ chức cơ sở kinh tế đầu tiên tại Bruxelles để góp phần giới thiệu hàng xuất khẩu của Việt Nam, gây nên ngoại tệ cho đất nước còn khó khăn trong thời kỳ hậu chiến.

Năm 2002 khi nghỉ hưu, anh đã quyết định về lại căn nhà bình yên nép mình bên dòng sông Đồng Nai, nhưng vẫn tiếp tục suy nghĩ và chăm lo cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt tại nước ngoài thông qua Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM.

Phạm Nguyên Thy

ani88ht@gmail.com

Review overview
NO COMMENTS

Sorry, the comment form is closed at this time.

Skip to content